Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Thơ: THẾ GIỚI NGOÀI SONG CỬA

 THẾ GIỚI NGOÀI SONG CỬA 

Anh sẽ nâng em cao thật cao

Để em thấy thế gian ngoài song cửa

Nơi ánh sáng không phải là tất cả 

vì còn có bóng đêm 


Ở ngoài kia, anh không chắc bình yên 

Bởi nhiều lắm, nắng tràn, mưa  đổ

Đôi mắt đen kia một ngày hoen đỏ 

vì còn có nỗi niềm 


Cơm Áo Gạo Tiền cứ thế triền miên

Những bánh xe lăn in hằn quá khứ

Những đứa trẻ đến trường tìm con chữ

vì còn có tương lai


Nhìn đi em,  ngoài song cửa vun vút quãng đường dài

Người ta đếm mồ hôi bằng ngày tháng

Nhiều thứ tình cờ,  nên khổ đau thì hy vọng 

vì còn có mùa Xuân 


Anh sẽ nâng em cao nhiều hơn 

Khi đủ lớn em sẽ nhận ra mình nhỏ bé 

Và nhận ra không điều gì là không thể 

vì còn có tình yêu!


Hữu Hiệp

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Sông Vua ở Huế


 SÔNG VUA Ở HUẾ 

Ngoài sông Hương,  ở Huế còn một con sông tuyệt đẹp mang tên sông Ngự Hà dài 3700 m (hay còn gọi sông Vua), con sông chảy quanh kinh thành Huế. Dọc sông Ngự Hà có 5 chiếc cầu cổ. Nếu bạn đến Huế, đừng quên khám phá sông Vua vì  sẽ in đậm chất liệu lịch sử khó quên. Clip HH quay giới thiệu bạn cây cầu dài nhất trên sông này: Cầu Kho hay còn gọi cầu Ngự Hà.

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

THỐNG KÊ MỒ MẢ ( 01/01/2012)

 

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

THỐNG KÊ MỒ MẢ ( 01/01/2012)

THỐNG KÊ MỒ MẢ TẠI KHU CÁT TRẮNG NGỰ BÌNH
(Trước khi di dời)
(xưng danh trong bài viết là của ông Nguyễn Hữu Chung)

    Thứ tư, ngày 18/3/2009  (22/2 Kỷ Sửu) toàn bộ số mộ ở khu vực Vùng đất cát trắng Ngự Bình đã di dời lên Nghĩa trang Nhân dân. Tổng cộng 32 ngôi (trong đó có 5 mộ gió).
   Theo bút tích ông Nguyễn Hữu Chung để lại, thì tại vùng này, số mộ chia ra như sau:

(đánh số thứ tự dưới đây cũng là con số được ghi trong sơ đồ cũ)

a/Trong Lăng: (Lăng có trước năm 1900. Năm 1931 lăng được xây rộng theo tiền cô Huệ qua đời(bác Nguyện xây).
1/Ông nội Lê Văn Nghi 
2/ Bà Chánh
3/Bác Lê Văn Thúi
4/Cô Lê Thị Út
5/Cô Lệ Thị Huệ

b/Ngoài Lăng:
6/Con trai Nguyễn Hữu Thiện Long(Dại)
7/Cháu gái Nguyễn Thị Diệu Hương (con của em Nguyễn Hữu Long)
8/Mẹ sinh Lê Thị Diêu(Kê)
9/Chị cùng cha mẹ Lê Thị Mực(có thể là Nguyễn Thị Xuân), cũng có thể là mộ gió(số 8 trong sơ đồ)
10/Cô Lê Thị Mèo
11/ đến 15/Các em (con dòng 3, đời 4) gồm 3 mộ HDVV(do chưa đặt tên),mộ Nguyễn Thị Bích và  Nguyễn Thị Thủy
16/ đến 24/ Gồm 9 ngôi: Trong đó có 2 ngôi tại  Huế là Bà Cả và Cụ nội chú Lê Văn Thú, 7 ngôi từ Bắc chuyển vào không rõ danh vị.
25/Bác Lê Văn Cúc ( Ba) có bia
26/Bác Ba Gái, có bia
27/Chị cùng cha mẹ: Nguyễn Thị Xuân(có thể là Lê Thị Mực) nghi mộ gió



   Một số mộ do không có có bia, không xây bo, nên khi di dời xếp vào HDVV.. Tổng số 27 mộ di dời lên Nghĩa trang Nhân dân, Huế được xây xi măng, bo vuông hay hoa sen. Tất cả là 32 mộ, số mộ có bia ghi tên cụ thể là 15 mộ, số mộ HDVV là 17 mộ. Như vậy mộ của Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Thị Thủy(nằm trong khuôn viên 5 mộ) do không xác định chính xác nên ghi HDVV. Mộ Nguyễn Thị Mực, không xác định cũng ghi HDVV.









THỐNG KÊ
TỔNG SỐ LINH VỊ TRONG DÒNG TỘC TÍNH ĐẾN NGÀY 1/1/2012
(Ngày chạp 8/12 Tân Mão)
1/Khu Nghĩa trang Nhân dân : (32 ngôi)
Theo ghi chép của ông Nguyễn Hữu Chung, số mộ ở Vùng cát trắng Ngự Bình, gồm 27 mộ có danh tính. Thứ tư, ngày 18/3/2009  (22/2 Kỷ Sửu) khi di dời, do có số mộ không bia không xác định được nên chú Long, chú vui, O Kim và các anh chị em dời luôn số mộ gió thành ra có 32 ngôi trong đó 14 mộ có danh tính và 18 mộ Hữu danh vô vị. Qua danh tính ghi trên bia ở khu vực Nghĩa trang Nhân dân, Huế đối chiếu bút tích của ông Nguyễn Hữu Chung thì thiếu Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Thị Thủy và Lê Thị Mực.
Bao gồm:
Dãy 1 (8 ngôi): Bà chánh,Bà Cả, Lê Văn Nghi. Lê Văn Thú, Lê Thị Huệ, Lê Thị Út,Lê Văn Thúi, Lê Văn Cúc(Ba)
Dãy 2 (8 ngôi):Lê Thị Mèo, Bà Gái (bác Ba gái), Lê Thị Kê(Diêu), Nguyễn Thị Xuân, 4 ngôi HDVV.
Dãy 3 (8 ngôi): HDVV, Nguyễn Hữu Thiện Long, Nguyễn Thị Diệu Hương, HDVV: 5
Dãy 4 (8 ngôi) HDVV (4 ngôi ô lớn, 3 ngôi ô nhỏ)
2/ Khu Nghĩa trang thành phố :  (3 ngôi)
2 ngôi (Nguyễn Hữu Chung+Nguyễn Thị Dung), 1 ngôi Nguyễn Hữu Tuấn

3/Khu Trà Am(25 ngôi)
a/ Khu I(Mộ Tổ) gồm 17 ngôi, trong đó chỉ còn 2 ngôi chính (bà Mẫu tổ và bà phò mẫu) và 2 mộ gió. Mất dấu vết 13 ngôi linh mộ tiệt Lê ký gửi (theo ghi chép của ông Nguyễn Hữu Chung là 6 mộ ông, 7 mộ bà) do bị lấn chiếm.
b/ Khu IV(góc mỏ Trà Am) gồm 4 ngôi : Nguyễn Hữu Lựu, Đặng Thị Liễu, Nguyễn Thị Xuyến, 1 mộ gió
c/ Khu trước góc mỏ Trà Am có 4 ngôi: Phạm Thị Dần, Nguyễn Hữu Yến, Nguyễn Thị Bé, Trần Tâm Dũng(cu Gô)

4/ Chân núi Ngự Bình: (6 ngôi)

Lê Văn Nhất, Lê Văn Nhì, Nguyễn Hữu Nhỏ, Nguyễn Thị Thảo, 2 mộ gió.


Vậy tổng cộng 4 khu vực có 66 ngôi mộ, trong đó:
-  30 mộ có danh tính
- 18 mộ Hữu danh vô vị(chính xác chỉ có 13 mộ có linh vị, 5 mộ không có linh vị)
-  5 mộ gió
- 13 mộ bị lấn chiếm
Việc di dời là do chủ trương của Nhà Nước, giải tỏa mặt bằng để xây dựng khu trường Đại học Huế. O Kim, chú Long, chú Vui, các anh chị em đã dốc lực tập trung thực hiện việc di dời tốt đẹp. O Kim là người tận tâm tìm kiếm một khu đất tại Nghĩa trang Nhân dân thuận lợi nhất. O đã bỏ nhiều công sức và chi phí cho dòng họ, chỉnh tu mồ mả. Việc di dời đã hoạch định từ rất lâu, luôn làm cho cha tôi trăn trở lo lắng vì thiếu sức lực, tiền bạc. Chi phí Nhà nước hổ trợ chỉ là một phần nhỏ. Tôi vẫn chưa dám hỏi O Kim về số tiền mà O đầu tư, nhưng trong lòng tôi và con cháu luôn ghi nhớ, kính trọng O, người đã một đời dành dụm đầu tư sưởi ấm vong linh tổ tiên...

MẠ ƠI THƯƠNG QUÁ, MẠ ƠI!

 

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

MẠ ƠI THƯƠNG QUÁ, MẠ ƠI!




MẠ ƠI
THƯƠNG QUÁ,

MẠ ƠI!
        Là nghệ sĩ tuồng (hát bội) tại Huế nên đám tang của mạ được làm lễ tại “Thanh Bình Từ Đường di tích” là trường đào tạo hát bội đầu tiên của nước ta.Mạ là con của liệt sĩ Hồ Thị Thủy (kháng chiến chống Pháp), nguyên quán Điền hòa, Hương Điền, Thừa Thiên, Huế.Mạ bệnh bất ngờ, không rõ là bệnh gì, đau đớn kêu la, con cháu vô cùng thương yêu. Mất tại Bệnh viện Trung Ương Huế (khoa điều trị tăng cường Cấp cứu tim mạch) lúc 1giờ 45 phút sáng mồng 8 tháng chạp 2008 (Mậu Tý), nhằm ngày 03/01/2009 DL(Kỷ Sửu).
Mạ suốt đời tận tụy vì chồng, con. Con trai Nguyễn Hữu Hiệp đã  viết lại về những ngày cuối đời của mạ Nguyễn Thị Dung :
MẠ KHÓC…( bắt đầu viết từ ngày 12/12/2008)
Cả tuần nay mạ đột nhiên nói nhiều, mạ nói những điều vu vơ, dấu hiệu này trước đây mạ chưa hề có. Hôm qua em gái gọi điện thoại cho tôi vì mạ đòi gặp, mạ khóc, mạ nói mạ buồn lắm, mạ không sợ ai cả, mạ sẽ chết ở đây hoặc mạ sẽ đi nơi khác. Hôm nay, mạ lại khóc, mạ nói mạ đau lắm con ơi, mạ nói ba đi rồi, ba đi thật rồi( trong khi ba tôi đang nằm bên mạ), mạ khóc nhiều lắm, hình như mạ thấy hình ảnh ba mất, mạ khóc thảm. Tôi nói ba đang ở bên mạ, nhưng mạ đính chính, rằng mạ tỉnh táo lắm, mạ còn sáng để biết điều đó, rồi mạ lại khóc. Dự định tết này tôi sẽ về Huế sớm, sau 1 tháng, vợ tôi tiếp tục ra thay phiên chăm sóc ba và mạ. Ba năm nay đã 90 tuổi, mạ 86 rồi. Dù ba đang bị U xơ tuyến tiền liệt, chân phù, đi tiểu không kềm chế, sức khỏe quá yếu, nhưng ba còn minh mẫn để nói chuyện với con cháu. Cả ba và mạ luôn hỏi thăm sức khỏe, công việc vợ chồng tôi và tình hình học tập của hai cháu Quốc, Cường. Điều này thật hiếm hoi ở những cụ già mà tôi từng gặp. Bây giờ, với mạ, là điều không thể có nữa. Mới tuần trước mạ còn hỏi thăm, hỏi cả bạn tôi(Trương Vi) khi bạn đến nhà tôi chơi, mạ cười rất thoải mái. Ấy vậy mà giờ mạ chỉ khóc, hễ bật điện thoại là nghe giọng mạ la, rên, khóc dữ dội. Tôi đứng ngồi không yên, muốn bay vèo ra thăm ba mạ, nhưng không thể vì cơ quan nhà nước chỉ cho nghỉ phép trong khoảng thời gian nhất định, nên tôi phải dành tết để về đoàn tụ và lo hương khói tổ tiên.Trước đây mạ đã từng khóc, nước mắt mạ rơm rớm, mếu máo vì con cháu ở xa về thăm dăm ngày rồi lại ra đi. Mạ khóc vì mạ chợt thấy con về. Bây giờ, mạ khóc, khóc thành tiếng, tiếng gào không ngắt quãng nhưng yếu ớt. Nước mắt tôi mấy lần định tuôn ra. Thế rồi, bên kia điện thoại bỗng dưng im bặt tiếng mạ…
Ngày 14/12/2008, lần đầu tiên qua điện thoại, ba nói ba cần sự có mặt của tôi lúc này ở nhà vì mạ bây giờ như người điên. Mạ nằm la suốt ngày đêm, vang cả xóm.
Tôi biết, hơn một năm rồi, kể từ khi mạ bị trượt chân ngã, chỉ nằm một chỗ trên giường, xoay qua xoay lại đều đau. Năm ngoái, về tết, Huế lạnh và mưa không ngớt hơn cả tháng, cái lạnh mà đài báo phải diễn tả là cái lạnh lịch sử.
Nhớ có lần mạ mặc chiếc áo của đứa cháu nội, do bánh ngọt đứa cháu ăn rớt dính trên cổ áo, kiến cả đàn kéo vào tấn công mạ. Mẹ la hốt hoảng, nếu không có ai lúc ấy biết sẽ như thế nào!Mỗi lần mạ tiểu tiện, ướt đầm cả chiếu mặc dù có mang tã lót cho người già, mạ run cầm cập vì quá lạnh. Than ở Huế, quạt nóng hừng lên cũng mau tắt. Áo quần cả tháng không khô, phơi chật cả nhà, không khí ẩm thấp, lạnh băng bao phủ.
Mặc dù vậy, mạ vẫn nói chuyện, lưu loát, vui vẻ, cười với con cháu. Mạ là người nghệ sĩ, nên thỉnh thoảng tôi mở cải lương cho mạ nghe. Trước đây mạ mê số một, nhưng tôi thấy hình như mạ không màng nữa, có thì nghe, không thì mạ nằm lặng yên.
Gần đây nghe tin mạ chảy máu lỗ tai, các anh chị đưa đi bệnh viện. Ba ngồi thẫn thờ. Từ bệnh viện về, mạ nôn mửa, rồi nằm mê mấy ngày.
Bây giờ không còn như trước, mạ bỗng thay đổi nhanh chóng, la, khóc, Hôm kia mạ còn nói văn chương trong mếu máo:” …Mạ đau lắm con, Mẹ đau trong lòng… ” Cứ thế, mạ khóc thảm thiết, mạ nói “…ba đi rồi con ơi…”
Mặc dù có các anh, chị lui tới chăm nom, nhưng ba đã nói qua điện thoại như vậy là hệ trọng lắm. Tôi không yên tâm chút nào… Chiều 15/12/2008, mạ lại la toáng lên:”đau quá, trời ơi!…“, vừa la đau, vừa khóc. Chị V.E bình tĩnh hơn, song qua điện thoại, tôi có cảm giác chị lo sợ nhiều, chị không hiểu sao bất ngờ mạ đòi cắn lưỡi chết. Em gái thì nói nếu răng mạ còn đủ thì nguy hiểm đã xảy ra rồi. Tôi chỉ biết động viên chị V.E và T, lúc này cố mơn trớn nhẹ nhàng cho mạ bớt căng thẳng. Ngoài lú lẫn do tuổi già, mạ còn chịu đựng cái đau thể xác vì chỉ nằm hơn 1 năm rồi, và vì những suy nghĩ về con cái…?
Hai em gái đã lớn tuổi, nhưng hoàn cảnh đều đáng thương. Mạ thường nhắc đến nỗi khổ của hai đứa em tôi rồi thở dài. Cũng vì hai đứa em như vậy nên bao nhiêu lần tôi nói ba và mạ vào Nha Trang ở vói vợ chồng tôi, ba mạ không chịu. Ba mạ thương hai đứa con gái nên dù ba mạ giờ quá già yếu không làm được gì song cùng ở với hai đứa em như vậy, ba mạ mới yên tâm.
Cả chiều nay tôi bần thần khi nghe mạ rên la liên tục. Người khỏe la như vậy cũng phải kiệt sức huống gì mẹ da bọc xương. Mạ đau chỗ nào, đau ra làm sao…? tôi đứng ngồi không yên. Em tôi đưa điện thoại cho mạ, nhưng mạ không thiết gì chiếc điện thoại nữa. Trước đây mạ thích nói chuyện với tôi lắm, bây giờ thì cái đau khủng khiếp đã choáng hết sức khỏe và trí óc mạ rồi. Mạ gào lên…đau quá…trời ơi…!
Không ở gần mạ trong lúc này, dằn vặt biết bao!
:Chiều 16/12/2008, mạ khóc, mạ nói:
Con ra với mạ ngay kẻo mạ chết, chứ ba bỏ mạ đi 10 ngày nay rồi.
Tôi nói:
Dạ, con đến ga mua vé để ra với mạ đây.
Đừng gạt mạ, đi tàu 2-3 ngày nữa mới tới là mạ chết con ơi.
Cứ thế, mạ lập đi, lập lại, vừa nói, vừa khóc. Tiếng khóc của mạ ngày càng thảm. Mạ còn biết nói chuyện với tôi nhưng mạ lại nghĩ ba đi xa rồi trong khi ba nằm cạnh.
Tối chở Cường đi Nha Trang học. Lòng cứ nặng trĩu hình bóng mạ đang quằn quại, la khóc. Trong tuần này tôi phải về với mạ. Mạ đang đợi con về mà…con sẽ về…

NHỮNG NGÀY CHĂM MẠ
23 giờ ngày 24/12/2008, tôi lên tàu SH2 vể Huế. Tiết trời chuyển lạnh, bước xuống ga Huế, cơn mưa đổ ào xuống cùng với giá rét cuối đông.
Thấy tôi ra, mạ tươi tỉnh hẳn. Cả nhà ngạc nhiên vì mạ không rên la như mọi bửa. Mạ cười…
Theo sự sắp xếp của chị em, tối nay chị Vân Em tới trực. Chị nằm trong, mạ nằm ngoài. Nhờ chiếc quạt hơi ấm mới mua nên mạ không rên lạnh như năm ngoái. Tôi nằm trên chiếc giường xếp, đầu đau, mệt mỏi. Đồ đạt trong nhà ngổn ngang. Uống viên thuốc giảm đau, ngày mai mình sẽ ra tay dọn dẹp.
Nhưng…tối đến, mạ bắt đầu quằn quại với những cơn đau, tay chỉ về phía hông trái. Mạ la to trong đêm:” Ba ơi, mạ ơi”"hắn đi mô rồi?, dôn tui đi mô rồi?”rồi mạ khóc. Ba nằm trên chiếc giường cạnh mạ. Tôi nói:”Ba đây!”. Mạ nói:”Không phải ba!”. Nghe nói mạ huyên thuyên như vậy liên tục 20 ngày đêm không chợp mắt. Các đạo hữu ở chùa về tụng kinh cầu an hy vọng giảm bớt phần nào sự căng thẳng thần kinh của mạ.
Đêm 25/12/2008, phiên Phước trực. Phước nằm với ba, tôi nằm với mạ. Mạ vẫn la to, còn tôi cố vỗ về mạ. Lời mạ oán trách người chồng phụ bạc. Không lẽ trong tiềm thức mạ hình ảnh quá khứ hiện về. Mà quá khứ nào kia chứ!? Ba vốn hiền lành ít nói, nhưng nghiêm khắc trong giáo dục con cái. Đã một thời ba phụ mạ chăng?. Không, mạ là nghệ sĩ tuồng, phải chăng đó là những cảnh diễn ngày xưa mà mạ đã quá nhập tâm?
Về khuya, thấy mạ chuẩn bị thét lên những câu nguyền rủa, tôi đưa tay bịt miệng mạ bởi sợ thiên hạ than phiền. Biết hành động như vậy với mạ là quá đáng, song tôi mong mạ hiểu và tha thứ. Mạ không hề trách tôi, mạ chỉ trách người bội bạc với mạ, như có một mối tình ẩn khuất sâu kín trong lòng mạ giờ liên tục vọng lên trong đêm tĩnh mịch.
Tôi đã chứng kiến cơn đau và trạng thái thần kinh kỳ lạ của mạ, ấy vậy mà trước đó khi nói chuyện với mạ qua điện thoại, mạ cứ như đang khỏe mạnh, tỉnh táo:”Con hãy về vói mạ, con đừng phỉnh gạt mạ”,”Dạ, con mua vé ra ngay mà” “Con mua vé mất 2-3 ngày nữa mới ra tới Huế là mạ chết”. Nói rồi mạ khóc, khóc thảm thiết.Tiếng khóc của mạ não nuột tôi chưa từng nghe. Mạ khóc như mất cái gì thiêng liêng lắm, khóc như trời đất sụp đổ. Khóc như sắp chia lìa, tan vỡ. Tôi hứa về với mạ, vậy mà tôi lại chần chừ để mạ trông mong. Tôi về chậm không phải vì thờ ơ sự đau la của mạ mà vì tính toán thời gian ra phép vừa đủ cúng chạp, cúng giao thừa cho ấm áp khung cảnh gia đình. Tôi nói với các chị mồng 8 ÂL tôi sẽ về, với mạ tôi lại nói dối “Con sẽ ra với mạ ngay”.
Tối 27/12/2008, chị Chi ra trực. Như có phép màu, đêm nay mạ không la, không thét. Cơn đau thưa dần, lâu lâu thoáng qua cơn ho, thở mệt. Mạ nằm kể chuyện ngày xưa lúc trẻ mạ học hát, chuyện tình của mạ. Tôi ghi âm bằng chiếc điện thoại di động. Mạ kể mạch lạc, còn pha thêm những chuyện hài. Đêm nay mạ còn coi được một đoạn hát bội trên ti vi.Cả ngày 28/12/08, điều làm tôi ngạc nhiên là ngược những gì anh chị kể, mạ ít nói,lặng lẽ, ngủ nhiều, chỉ nói chuyện vui. Mạ thể hiện sự yêu thương kính nể ba, không hề trách móc.Ba thay đổi sự bực dọc của mình bằng những nụ cười và hàn huyên với mạ câu chuyện xưa đầy kỉ niệm đẹp. Tôi dìu ba nằm cạnh mạ, hai người tiếp tục nói chuyện với nhau, về cả những giận hờn vu vơ lúc trẻ. Buổi chiều trời dịu mát, trong nhà yên ắng, tôi cảm thấy bình thản lạ, rít 1 hơi thuốc, tựa lưng vào ghế, mĩm cười nhìn ba và mạ đang chìm vào giấc ngủ sâu…
Mạ từng nói mạ là người nghệ sĩ, tôi hiểu ý mạ muốn nói rằng mạ rất tâm lí và hiểu rõ tâm trạng từng người.
Mạ vui lắm, mạ là người dễ gần và sẳn sàng trò chuyện trên trời dưới đất với con cháu. Bất kì chuyện gì con cháu nói, mạ cũng lắng nghe và chia sẻ. Mỗi lần điện thoại, mạ luôn hỏi thăm việc hoc của Quốc,Cường. Mạ đã từng lắng nghe tiếng đàn guitar của Cường, mạ khen. Mạ giả giọng Sài Gòn hỏi Quốc,Cường có bồ chưa? Nghe giọng mạ không ai biết mạ đang đau, mạ nằm liệt một chỗ đã lâu, hai chân rút lại, mỗi lần cử động mạ sợ lắm vì cái đau lại dày xé.
Đêm 28/12/08,chị Vân Em lên ngủ trực chăm mạ,có chị Vân Em, tôi an tâm hơn vì chị có nhiều kinh nghiệm, khi mạ rên , la, nói nhảm chị kề tai động viên, mạ gật đầu yên lặng dường như biết rõ những điều chị Vân Em nhắc là cần cho sức khỏe mạ. Nhưng chỉ chưa đầy một phút, mạ lại la to lên không kiềm chế “Ba ơi,mạ ơi,dôn tui mô rồi…”mạ khóc, mạ lại la đau”‘Ai cứu tui với” “Con ơi,cứu mạ với” “Mạ chết con ơi”.
 Đêm ấy, trời mưa suốt, lạnh cóng, tôi nằm trên chiếc ghế salon gỗ, bật chiếc quạt hơi ấm mà vẫn cứ run. Trên giường, chị Vân Em nằm kề lưng vào tường, vòng tay vỗ về mạ, mạ cứ la như thế. Thỉnh thoảng chị cho mạ uống nước vì mạ khát. Lời của mạ thật kỳ lạ, trách móc cả chuyện loạn luân, gọi mạ ơi như trẻ thơ. Chiều hôm qua tôi nói với mạ rằng, răng mạ lại la toàn chuyện không đâu phiền hàng xóm, mạ lấy làm ngạc nhiên: “rứa à?” rồi thật tự nhiên mạ nói “chắc ma ám quá, thì mi xin lỗi cho mạ”.
Cũng chiều hôm đó, tôi đề nghị mạ cười, mạ đã cố cười, ai ngờ đó là nụ cười lần cuối cho con.
Nụ cười lần cuối của mạ dành cho con
Đêm nay,”ma ám” trở lại nhìn mạ tội nghiệp quá.





MẠ NHẬP VIỆN



4h sáng 29/12/08, mạ đột ngột ho mạnh rồi tím tái không thở được, tôi vùng dậy, nhảy phóc lên giường nâng mạ ngồi dậy, vỗ mạnh sau lưng. Thường mỗi khi nâng như vậy mạ la toáng lên vì quá đau, còn bây giờ mạ thở nhanh như muốn tắt hơi, không nói được chi cả, tôi xịt Ventolin cho mạ, 2 bấm/1 lần(6 bấm trong 15 phút) mạ không hít vào được, khí tuôn cả ra. Chị Vân Em cuống quýt gọi cho Ty (con gái đầu cuả chị làm phòng Hồi sức cấp cứu BVTW Huế) để nhờ mượn máy hút đàm. Phone hết pin, chị sạt. Thấy mạ mỗi lúc mỗi mệt, tôi nói chị Vân Em tức tốc gọi cyclo chở mạ qua bệnh viện cấp cứu. May sáng đó, Nhật (cùng xóm)đang đậu xe ngoài đường.Tôi ẳm mạ vào cyclo, mưa lạnh khiếp, Nhật cố đạp nhanh. Hai tay tôi nâng đầu và chân mạ, mạ nói trong hơi thở dồn dập “Mạ chết quá con ơi!” “Mạ đừng lo sắp đến bệnh viện rồi, sắp rồi…”
Khoa cấp cứu tim mạch
Y BS Bệnh viện TW Huế đang tận tình cứu chữa
Tim mạ đập loạn xạ, bác sĩ cho thở oxi. Từ phòng cấp cứu đa khoa, họ chuyển mạ qua phòng cấp cứu tim mạch rồi phòng điều trị tăng cường. Bác sĩ cho hay mạ bị nhồi máu cơ tim, sức khỏe quá suy nhược, khó qua khỏi. Chiếc máy đo nhịp tim, nhịp thở luôn nằm kề cận mạ.Một ống thông qua lỗ mũi vào thực quản để bơm sữa và súp. Trên ngực đầy những miếng dán đo nhịp tim, ngón tay giữa đặt 1 miếng cao su để đo lượng oxi hay gì đó, cùng lúc 3 lọai thuốc bơm vào tĩnh mạch).Con cháu tập trung vào bệnh viện. Sự lo lắng bao trùm.
Tư đón thím Ngoan tại ga Huế
Chị Mạnh(dâu trưởng) từ Biên Hòa ra thăm mạ
Hai cháu nội (Tâm và Tư) từ Biên Hòa ra
Chị Vân Em túc trực bên mạ
Mạ rên la
Mạ nằm bệnh viện mấy ngày, con cháu khắp nơi dần dần biết tin. Chị Mạnh, 2 cháu Tâm, Tư ở Biên hòa ra (do Ngoan điện ngay khi buổi sáng mạ nhập viện)kế đến các con cháu ở ngoài làng mạ. Quy dịnh ở bệnh viện, mỗi bệnh nhân chỉ được 1 người ớ lại chăm sóc, riêng mạ lúc nào cũng đông, ngày cũng như đêm, dù bác sĩ đuổi ra thì sau đó con cháu lại ùa vào. Tại phòng điều trị tăng cường, ai cũng nhìn vào giường mạ mà thương. Mạ cứ rên la suốt đêm ngày “mạ ơi, ba ơi” rồi mạ kêu tên con cái. Mắt mạ 1 con đă mù hẳn từ lâu, 1 con chỉ thấy mờ mờ, tháng trước tự nhiên mạ bị chảy máu lổ tai, bác sĩ khám nói mạ bị thủng màng nhĩ. Ấy vậy mà mạ rất thính, nghe tiếng chân bác sĩ vào phòng mạ gọi “Bác sĩ ơi, cứu tôi với”. Bác sĩ tới : “ Sao hả Bác? Bác đau ở đâu?” “ Đau khắp chỗ mô cũng đau hết” “Được rồi, để con cho bác thêm thuốc hí!” bác sĩ nói xong vừa đi ra, mạ lại kêu lên “ Bác sĩ ơi” ông quay lại “Sao hả bác?” “Dôn tui đi mô rồi” họ cười lên. Tôi đứng cạnh mạ, đau đớn không nói nên lời bởi tôi biết có nói họ cũng cho mạ nói bâng quơ vì tuổi già thường đãng trí. Mạ thường đưa tay chỉ về hông trái, phía sau lưng ”mạ đau đây”. Giữa cột sống có 1 vết loét nhưng đã khô, rửa sạch, tôi nghĩ mạ không thể đau chỗ này. Có lẽ mạ đau cột sống hay đau thắt lưng, mạ nằm lâu ngày, khi ẵm mạ đi cấp cứu đã làm cho cột sống mạ đau trỏ lại (trước đây chụp hình mạ có trật cột sống do té). Chỉ tay vào chỗ đau, mạ nói “Mạ đau thiệt, mạ không nói láo với con mô” rồi mạ khóc. Có một lần, tự dưng mạ chắp 2 tay “Mạ vái lạy con, cứu mạ với”. Tôi ứa nước mắt, mình bất lực quá. Mạ càng khao khát sống, cái chết càng cận kề. Chúng tôi cố tìm cách ân cần với bác sĩ nhờ lo cho mạ. Bác sĩ cho biết đã dùng hết cách, hết các thuốc cho mạ. Biết làm sao hơn.
Con nắm bàn tay má
Đếm từng giây phút trôi
Ngày xưa đi mau quá
Hơi ấm sắp xa rồi


Cố nén nước mắt rơi
Giấu lòng đau buốt lại
Má ơi không lẽ mãi
Mất thật má trên đời?


Đêm vắng lặng mọi nơi
Tiếng kinh cầu thật khẽ
Má nằm yên như thế
Mà dần xa, dần xa...


Mạ thở Oxy,
Thức ăn thông qua ống thông vào thực quản
Chiều tối 1/1/09(nhằm ngaỳ 6/2/AL), thiu thỉu ngủ khoảng 15-20 phút, mạ bỗng thức giấc, lên cơn ho, thở khò khè như người suyển nặng. Mỗi khi thở mệt mạ luôn miệng Nâng mạ dậy, mạ mệt” “Con ơi nâng mạ dậy,mạ mệt lắm”. Mấy ngày chị Vân Em không dám kê đầu mạ lên cao vì nhớ lời bác sĩ dặn nhồi máu cơ tim không được nâng dậy. Ngày thứ 4 nằm viện, thấy cơn thở của mạ nguy kịch quá, tôi dứt khoát nâng mạ lên, quay cao phần đầu chiếc giường, rồi nhanh chóng chạy ra gọi bác sĩ. Bác sĩ đến nâng đầu giường cao hơn nữa, rồi lệnh cho y tá tiêm 1 mũi thuốc, tôi nghĩ đó là thuốc giản phế quản. Ông ta hỏi có phải tôi là con trai của bà không, rồi gọi tôi ra nói chuyện, tôi biết bác sĩ đã bất lực, 86 tuổi, ốm yếu mạ còn sức đâu để đẩy đàm từ trong họng ra. Lấy đàm bằng tay mạ đỡ đau hơn nhưng không hết, còn hút đàm bằng máy, mạ đau lắm nhưng vẫn không thuyên giảm. Cả nhà sợ mạ chết tại bệnh viện nên xin bác sĩ đưa về, bác sĩ khuyên không nên vì lúc này trời quá lạnh, mưa lớn, đem ra khỏi phòng điều hòa nhiệt độ sẽ bất lợi cho mạ, hơn nữa nhịp tim, nhịp thở của mạ đã đỡ hơn sau mũi thuốc được chỉ định tiêm khẩn cấp. Sáng ngày 3/1/08(8/12/AL) vợ tôi từ Nha Trang ra, tôi với Tư đi đón tại ga. Tưởng mạ đi đêm qua, không ngờ sáng nay mạ khỏe lại(dù còn đang rất mệt) mạ tôi lại biết Ngoan ra với mạ, mạ mừng lắm gật gù. Sáng nay con cháu ngoài làng Phong Điền vào thăm khá đông. Mạ biết hết, mạ nhận ra từng người. Mạ khỏe hơn hôm qua. Ai cũng mừng.Chiều mạ mệt trở lại,liên tục gọi Phước ơi,Vân Em ơi,ba ơi, mạ ơi mỗi lúc một yếu,tôi nhận ra hơi thở của mạ như bị hụt,lưỡi trụt. Giọng mạ đơ đớ không sắt, gọn và thanh nữa. Mỗi lần mạ gọi “ Mạ ơi,ba ơi”, mạ đưa 2 bàn tay lên như muốn ôm, muốn níu mắt mạ đờ đẫn, tôi đưa ngón tay vẫy nhẹ trên mắt, mắt không nhấp nháy, trắng bệch. Mạ lại gọi Vân Chị ơi, Phước ơi. Chị Vân Em điện về gọi chị Vân Chị qua, nghe chị nói ở nhà ba đang bệnh nặng, nguy hiểm không kém phải gọi chị Gái ( y tá) đến chích thuốc, đo huyết áp. Mấy hôm nay Phước không qua trực với mạ, nên tôi quyết định về nhà chăm sóc ba để Phước qua bệnh viện, mạ gọi Phước ơi hoài. Tôi nghĩ, tốt nhất cần có Phước lúc này bên mạ nên về nhà cùng Tư, coi ba, thay cho Phước qua bệnh viện. Trời mưa…Biết đưa mạ về nhà là nguy cơ lớn. Chúng tôi đặt vấn đề với một thạc sĩ tại khoa nhờ trực tiếp chăm sóc theo dõi tại nhà 24/24 cùng 1 y sĩ. Họ đồng ý. Siêu âm phổi không phát hiện tràn dịch, siêu âm tim, gan…đều không có vấn đề. Nghĩa là cơ quan phủ tạng, huyết áp của mạ đều tốt. Bác sĩ lên kế hoạch sáng mai cho xe chở mạ về.Nhưng…1h45’ 3/1/09(8/12/AL), vừa đặt ba nằm yên trên giường, tôi nghe Phước điện thoại: “Anh Hiệp ơi,mạ chết rồi…”Tin loan nhanh, con cháu ùa cả ra. Xe bệnh viện chở xác mạ về. Mưa, lạnh, tay tôi run bần bật, thất thần. Chiếc xe bệnh viện dừng xe trước cửa nhà. Chị Vân Em phải vào nói chuyện vui với ba dụ cho ba uống viên thuốc Seduxen. Đoàn bác sĩ đợi khi nào trong nhà ra hiệu, mới đưa thi thể mạ vào. Nếu ba có vấn đề gì họ sẽ (ra tay) xử lí cấp cứu. May là ba không biết, thi thể mạ được đưa vào nhà khẩn trương, đặt nằm trên giường.
Nhìn mặt mạ lần cuối

Tôi không nói được câu cú nên hồn, cứ nghèn nghẹn, mếu máo, ràn rụa nước mắt. Việc đầu tiên tôi lo là chạy chọn 1 chiếc quan tài cho mạ. Liên hệ với người quản lí nghĩa trang lên kế hoạch và hợp đồng chi phí đào huyệt, xây bia. Các anh chị, các cháu mỗi người mỗi việc. Hòa thượng chùa Phước Thành đã vạch ngay 1 chương trình lễ tang và chọn ngày 14/12/Al di quan. Các anh chị nhanh chóng hội ý việc lo đám tang.
CÁI CHẾT CỦA MẠ VÀ NỖI ĐAU CỦA BA

Đầu gối mạ sưng to(khi tẩm liệm mới biết)


 86 tuổi mạ mất, bà con, bạn bè xa gần gửi lời chia buồn và thường kèm 1 lời động viên an ủi âu cũng là sinh lão bệnh tử. Tuổi của mạ là thọ lắm rồi. Biết vậy, nhưng với mạ, con cháu ai cũng động lòng, ám ảnh bởi mạ chết đau đớn quá, cơn hoảng loạn về tinh thần và hành hạ thể xác mạ trước khi qua đời không giống ai cả. Mạ nằm bất động gần 2 năm vì té, chấn thương cột sống, sự chăm sóc thiếu chu toàn. Gần 1 tháng trước khi mất, mạ hầu như không giây phút nào chợp mắt, liên tục la thảm thiết nhưng đầu óc luôn tỉnh táo. Có điều kỳ lạ, dù đau la nhưng khi có ai hỏi, ai nói mạ đều biết và trả lời sắc sảo, đôi khi còn pha thêm sự bông đùa cho vui câu chuyện. Tiếng rên của mạ vang xa, ngoài đường, cuối xóm đều nghe. Mạ bị đàm trồi lên như mạch nước giếng khoan, bóp nghẹt từng hơi thở của mạ. Thân thể mạ gầy còm chỉ trơ lại xương, da.Đôi chân co quắp không thể nào co ra được một tí.Khi tẩm liệm để làm cho đôi chân được thẳng, người ta phun rượu và bóp. Đầu gối mạ gù lên như u 1  con lạc đà.



Như 1 điềm ứng, tôi từng hứa với mạ, các anh chị qua điện thoại là 8/12/AL tôi có mặt tại nhà với mạ, tiện thể đi chạp mồ mả vào sáng hôm sau là ngày  9/12/AL theo quy định của gia đình xưa nay. Nhưng mỗi lần nghe giọng tôi là mạ mếu máo, mạ nói ra với mạ kẻo mạ chết con ơi. Mạ cũng từng nói với anh chị em trông tôi ra để đưa mạ đi bệnh viện vì tôi có tiền. Tôi đã báo với cơ quan xin nghỉ phép ngày mồng 8 tháng chạp. Nhưng 1 điều gì đó thôi thúc tôi phải đi ra sớm với mạ, nhờ vậy tôi được ở với mạ tổng cộng 9 ngày( 4 ngày ở nhà, 5 ngày ở bệnh viện).Mạ mất đúng ngày tôi hứa ra là mồng 8 tháng chạp, người ta nói rằng đó là ngày rất tốt, ngày Phật thành đạo, nhưng với tôi lúc này là ngày bao trùm buồn đau và nước mắt. Tôi đã thật sự mất người mẹ yêu quý nhất trên đời.









Thật ra ba đã biết mạ mất, nhưng con cái tưởng ba chưa biết nên cố giấu. Ba im lặng, đờ đẫn, không ăn, không uống, chỉ nằm một chỗ.PGS Tiến sĩ BS Lê Văn Bàng được mời tới nhà khám bệnh cho ba, ông hỏi ba mấy câu thử coi ba có đãng trí không, ba trả lời rành mạch, ông cho 1 đơn thuốc. Hôm sau ba chẳng khá chút nào,lại có chiều nặng hơn.Cháu ngọai Ty( đang làm ỏ phòng hồi sức cấp cứu) khám ở bụng ba nghi viêm ruột thừa, tức tốc gọi cấp cứu 115. Chuyển ba lên xe, mọi người dự đám tang đều sửng sốt. Không khí căng thẳng,lo âu. Trên xe ba lại nôn, kết quả ba chỉ bị viêm ruột nhẹ, xe lại chở về. Bệnh viện cho một toa thuốc khác. Con cháu thay phiên nhau ngồi trực bên ba, bà con đến thăm động viên. Ba khóc, cặp mắt đỏ hoe, giọng nhỏ chầm chậm, ba biết nhưng ba trách sao các con giấu ba, không cho ba gặp mạ,lần cuối chở mạ đi viện, mạ đưa đôi tay với với “ ba ơi” ba chưa kịp nắm được tay mạ.Ba khóc…

 ĐÁM TANG

 con, bạn bè đến viếng đông lắm. Con cháu ở Sài Gòn, Biên Hòa, Tam Kỳ, Quảng Trị về đủ. Bạn tôi(anh Sĩ) ở Nha Trang cũng ra. Hai mươi vòng hoa, tám tấm liễn, bốn tấm trướng, nhiều giỏ hoa và trái cây.

Con cháu trong lễ Tịch điện
Tình làng nghĩa xóm lúc di quan
Khách phúng điếu chia buồn
Đoàn xe đưa tiễn lúc 5 giờ sáng dưới tiết trời mưa lạnh

Một trong những vòng hoa phân ưu

Trời thì mưa, lạnh không ngớt. Đêm, nhóm thanh niên ra trực đến sáng.
Ngoài hòa thượng chư tăng chùa Phước Thành chủ lực, đám của mạ còn có các đạo hữu khuôn An Lạc, khuôn
Nam An, ni cô tịnh thất Ngọc Tánh về tụng. Chấp lệnh, đội kèn đầy đủ nghi thức.
Đoàn xe tang gồm một xe chở quan lớn và đẹp nhất Huế, một xe chở hòa thượng và sư tăng, sáu xe mercedes chở người nhà và tiễn đưa, mười chiếc xích lô chở vòng hoa.
Mạ vốn sợ lạnh, vậy mà lòng huyệt  đầy nước
5h sáng thứ 6 9/1/09 nhằm ngày 14 tháng chạp lễ di quan tiến hành. Thời tiết mưa và lạnh, không có ánh đèn điện ngoài đường. Trời vẵn dày dặt bóng đêm. Dù đã xây quách tịnh, tôi vẫn sợ nước mưa ngập huyệt nên điện thoại sớm cho anh Hiếu, người nhận trách nhiệm dịch vụ đào huyệt xây mồ, anh Hiếu cam đoan không sao. Khi đặt quan tài mạ xuống, nước vẫn còn trong huyệt đục ngầu, dâng lên. Lòng tôi se buốt, mạ vốn sợ lạnh, vậy mà đến lúc này cái lạnh lại đeo theo.

Tang gia bối rối là điều không tránh khỏi. Mọi sự lộn xộn cũng là tất yếu. Cần nhất là giữ sự im lặng cho hương hồn của mạ sớm được siêu thoát nhẹ nhàng. Mấy đêm trước giữa đêm khuya, tôi một mình lặng lẽ ngồi bên quan tài mạ, khóc, khóc như trẻ nhỏ. Tôi cố kìm tiếng nấc để không ai nhận ra, tôi nhớ mãi lần bên bệnh viện mạ chắp tay “ mạ vái lạy các con, cứu mạ với”, mạ van nài cả bác sĩ cứu lấy mạ. Ngày cuối, dường như mạ không còn hy vọng các con cứu mạ nữa, dù giọng mạ rất yếu, ngọng nghệu, mạ vẫn tha thiết cầu xin mọi người :” Ai ứu ui với“( nghĩa là Ai cứu tui với) Mạ muốn sống với ba, với các con lắm. Tình thương của mạ không thước trời nào đo được. Các con đã làm gì cho mạ đâu. Con ở quá xa, mỗi năm về phép một lần, gặp mạ nói chuyện với mạ dăm ngày rồi lại ra đi.
Mãi cho đến lúc hơi thở sau cùng dừng lại, mạ mới thôi gọi “ ba ơi”, vậy mà Mạ không được gặp ba lần cuối. Tôi không quên được hình ảnh hai cháu Tâm và Tư từ Biên Hòa ra thăm mạ tại bệnh viện, mạ xoa lên má,lên đầu như muốn âu yếm. Ngày cuối, mạ đòi về nhà với ba, điều đơn giản đó không bao giờ có được với mạ, mãi mãi nằm đâu đó trên chiếc giường của bệnh viện, trong căn phòng lạ lẫm bóng người, và đọng lại trong nỗi đau và thương nhớ của mỗi người con.

TẾT KHÔNG CÒN MẠ

Tết đến, con thường quấn quýt bên mạ. Thơ bé, con thức trắng đêm đón giao thừa với mạ, chờ khi mạ nấu xong nồi chè đậu xanh đánh, con vét cháy đáy soong để ăn, tiếng kêu ken két. Mạ quen như thế, nên chừa lại kha khá chè, cho con khỏi thòm thèm. Mấy ngày tết chưng diện bộ quần áo và đôi dép mới, còn được người lớn lì xì tiền, con tự do mua đồ chơi, tung tăng với lũ bạn. Mạ đón khách tỉ tê chuyện trò, khoe thằng con học giỏi. Đi phố với mạ, con tranh thủ kéo mạ vào hiệu sách, nài nỉ mạ cho tiền mua vài quyển, không lúc nào mạ từ chối .  Lớn lên, con ra trường, nhận công tác xa, không còn ở bên mạ. Con thường dành ngày phép trong dịp tết về đoàn tụ gia đình. Mạ bảo con chở mạ đi thăm bà con xóm giềng. Chiếc xe đạp cọc cạch vậy mà hai mạ con đi đâu cũng tới. Mạ thích hoa thược dược nên lúc nào cũng mua hai chậu đặt hai bên trước hiên  nhà.  Khi đã có gia đình, vợ con, con ít về tết với mạ, hai ba năm mới về một lần nhưng thường vào dịp hè vì các cháu mới được nghỉ thoải mái hơn. Có nhà riêng nên con lo lau dọn sạch sẽ nhà mình, sắm sửa  mứt bánh… để đón khách như mọi gia đình khác. Mạ lúc nào cũng mong ngóng hỏi han con cháu.
Hè năm kia, con ra Huế, mạ yếu lắm:


Mẹ giờ đã yếu lắm rồi
Mắt mờ, còm cõi, nằm, ngồi khó khăn
Nghe tin con vội về thăm
Trên tàu thao thức, khóc thầm…mẹ ơi!
Nhớ xưa mẹ hát, mẹ cười
Mẹ cho con những ngọt bùi hương quê
Mẹ như hoa phượng ngày hè
Che con trong nắng vì mê mẫn đùa
Nay về với mẹ hè trưa
Bàng hoàng mẹ quá già nua thân gầy
Ôi thời gian, gió heo may
Qua chi thân mẹ, hè này phượng khô
Rưng rưng ngõ nhỏ vào thơ…
Lỡ mai không mẹ…chơ vơ giữa đời
Mẹ ơi,
thương lắm,
mẹ ơi!
 Tết năm ngoái cả gia đình con về với mạ. Mạ bị té nên nằm một chỗ, không xoay người được. Huế lạnh và mưa gần hai tháng, ngày và đêm con quạt than sưởi ấm cho mạ. Mạ đón tết quanh trên chiếc giường cũ xưa mọp mẹp. Con không dám ẵm mạ ra nhìn cảnh tết vì tiết trời giá lạnh.Năm nay, gia đình con, các cháu về đón tết tại Huế với mạ. Thời gian khởi hành dự tính chưa đến thì mạ đột nhiên bệnh nặng. Bệnh của mạ thật kì lạ, mạ kêu đau khắp thân thể, mạ gào khóc suốt 1 tháng trời cả ngày lẫn đêm, mạ nhớ con, nhớ cháu, mạ mong con về với mạ. Giữa đêm Huế cuối đông,  mưa và lạnh, con ẵm mạ lên xe xích lô đi cấp cứu tại bệnh viện TW Huế. Suốt 5 ngày đêm tại phòng điều trị tăng cường tim mạch của Bệnh viện, mạ thở rất mệt, lần đầu tiên con nghe tiếng mạ khẩn thiết van nài con cứu mạ. Con ứa nước mắt. Một đời mạ hy sinh cho con vậy mà một lời của mạ, con không làm được. Mạ trút hơi thở cuối cùng vào 1giờ 45 phút sáng  ngày 8 tháng chạp ( tức ngày 3/1/2009 DL). Đêm định mệnh đó, con không được ở bên mạ  vì con ở nhà chăm ba.Tết đến rồi, con không còn mạ để mỗi khi con bệnh được thấy lòng ấm áp vi` có mạ lo âu hết lòng. Tết đến rồi, lần đầu tiên con không có mạ để gọi mạ ơi. Con không có mạ để kể chuyện buồn vui của con và các cháu. Đi đâu con cũng nghe bài hát “ Xuân này con không về”, lần đầu tiên con cảm nhận bài hát như một lời trách móc mình. Xuân này con đã về nhưng mạ không còn trên thế gian. Đêm thật khẽ, sương rơi như trời ướm lệ đọng trên mỗi cánh hoa vàng. Tết này con nghe lòng chơi vơi…
NẶNG TRĨU LÒNG BA  
Ba khóc ngất trước quan tài mạ
  
Trước đây, tôi chưa bao giờ thấy ba khóc. Mạ mất, lần đầu tiên bên quan tài mạ, nước mắt ba cứ lăn dài không giấu được. Kể từ đó, ba rất dễ xúc động. Chuẩn bị đón tết, các cháu Quốc, Phượng lau gương cửa, ba bùi ngùi nhớ mạ từng chắt chiu để có được chiếc cửa gương cho sáng sủa căn nhà. Khi các cháu Tâm, Tư điện thoại hỏi thăm, giọng ba nghẹn ngào vì mạ không còn để nghe được nữa. Sáng mồng một tết, dòng người đổ xô lên mộ thắp nhang ông bà đông nghịt, dù bệnh, yếu ba vẫn quyết đi lên mộ mạ. Ba lặng lẽ ngồi trước mộ, ba khóc. 
Lên Nghĩa trang thành phố Huế sáng mồng 1 tết

Theo xe tất bật chen lên núi
Thắp nén nhang thơm tưởng nhớ bà
Nấm mộ hoa sen bên ông đó
Khóc đã cạn nguồn sao vẫn xa?

Sau đám tang, cũng vừa lúc hết phép, tôi và hai cháu Quốc, Cường vào Nha Trang, như mọi lần ba chỉ ừ è nhắn nhủ, nhưng nghe các anh chị kể cả ngày hôm đó ba đã khóc như mưa, khóc chưa từng thấy… Bây giờ ba khóc nhiều lắm. Nhớ mạ, ba khóc. Ngày chuyển mạ đi cấp cứu, hai tay mạ vẫy gọi ba, đâu kịp cho ba nắm tay mạ lần cuối. Những ngày tại bệnh viện, mạ gọi ba. Ngày cuối các con nói chở mạ về gặp ba, mạ gật đầu. Chỉ có vậy mà các con vẫn không thực hiện được. Bác sĩ khuyên không nên chở mạ về nhà vì trời quá lạnh, phương tiện y tế thiếu thốn sẽ nguy hiểm. Bác sĩ cho phép các con chở ba qua bệnh viện thăm mạ, nhưng các con lại sợ ba không chịu nỗi cơn đau đang hành hạ mạ nên thôi. Đêm thứ tư tại bệnh viện, mạ gần như ngừng thở nhưng như có phép màu níu mạ lại vói các con, sáng hôm sau mạ tỉnh táo hơn, đúng lúc Ngoan từ Nha Trang ra với mạ.Chiều, tối thứ năm, mạ mệt trở lại, có vẻ nguy kịch. Các con thỏa thuận với bác sĩ bệnh viện phương án sáng sớm mai đưa mạ về nhà. Tại nhà có bác sĩ, y tá bv trực để theo dõi trợ sức thuốc men và bình khí oxy. Tôi cùng cháu Tư ra phố tìm mua chiếc quạt sưởi ấm và một chiếc chiếu nệm mới, về nhà chuẩn bị giường, che chắn gió lùa nơi mạ nằm. Biết bệnh mạ không qua khỏi nhưng nghĩ đưa mạ về nhà để gặp ba, ba gặp được mạ. Con cháu an lòng hơn.
Nhưng giữa đêm thứ năm tại bv(1 giờ 45 phút sáng thứ sáu mồng 8 tháng chạp 2008
AL)mạ đuối sức chờ gặp ba. Mạ tắt hơi, tắt tiếng…con cháu hoảng lên…nước trong người mạ tuông ra như tắm. Mạ chết thật rồi!Khuya cuối đông, gió, mưa và lạnh…
DAY DỨT
Từng lới nói của mạ trước đây giờ nghe xót buốt trong lòng. Mạ đã từng nói” Mạ đau thiệt chứ không phải mạ giả đò mô” Khi hỏi mạ đau đâu, mạ đưa tay chỉ về hông trái. Mạ van nài” Mạ lạy con, cứu mạ với” Mắt mạ mờ, nên mạ cố lắng nghe tiếng chân bác sĩ vào phòng, mạ kêu khẩn thiết: bác sĩ ơi cứu tui với!” Mạ kêu tên các con cứu mạ, mạ đau lắm. Khi không còn trông cậy vào con cháu và bác sĩ, mạ kêu ngọng nghịu”"Ai cứu ui với, ai cứu dzới, ai cứu dzới…“( đó là ngày cuối cùng tại bệnh viện).
Không dám kể ba nghe, chỉ nói với ba rằng bác sĩ đã tận tâm nhưng mạ không qua khỏi. Bây giờ khi ngồi nghiệm lại, tự hỏi mạ bệnh gì? Bác sĩ làm các xét nghiệm, siêu âm đều nói tốt. Nói là vì tuổi già thì không đúng, vì mạ không hề đãng trí, mạ còn minh mẫn để nói chuyện với con cháu( trước một đêm đi nhập viện mạ đã kể cho tôi nghe chuyện tình ngày xưa của mạ, hai mạ con đã cười rất vui!), mạ còn tỉnh táo để kêu cứu, mạ tha thiết sống đến tột cùng! Lẽ nào mạ bị ung thư?! mạ la đau dữ dội cả ngày lẫn đêm, nhưng vì tuổi mạ đã 86, nên bác sĩ không chú tâm lắm để cứu chữa. Chỉ có các con mới thấu hiểu nỗi đau dày vò mạ, chỉ các con mới day dứt mạ khao khát sống dường nào!
Nhớ mạ, thương ba. Con lại đi xa vì công tác, ngày đêm con luôn nguyện cầu cho ba được khỏe hơn, cho mạ bình yên ở cõi vĩnh hằng. Con sẽ cố không khóc nữa. Còn bây giờ xin cho nước mắt con được tự do rơi vì day dứt cơn đau của mạ, vì con thương mạ quá, mạ ơi!
Bà mất nay còn ông
Cháu dìu đi chợ tết
Huế chiều buông giá rét
Trên vai ông lưng còng


Cố tìm mua cho ông
Hoa ngày xưa bà thích
Chuyện không là cổ tích
Miên man một nỗi buồn


Tìm miết hoa vẫn không
Trầm ngâm qua đường cũ
Xích lô vòng quanh phố
Cháu bên ông khóc thầm...





Rồi...
mẹ già chiều không đứng chờ con
Sân vắng lạnh đón mai già rụng lá
Lần về quê, ngày xưa con vội vã
Còn nay đâu dáng mẹ chậm chân buồn
Nén hương trầm
trên mộ mẹ
Chiều buông...






Kỷ vật của mạ (mũ lên sân khấu)
Đôi dép Cườm mà mạ thường hay nhắc:
"Đôi dép cườm của mạ mô rồi!"
Ngày mở cửa mả



Bây giờ mẹ đã yên nằm
Con nghe hiu quạnh lăn lăn giọt dài
Trở trời gió núi lất lây
Rung rung thông đổ sầu đầy khói hương
Gửi lòng vào đóa cúc vàng
Nở bên mộ mẹ xin dừng cánh rơi
Hồn thu trơ lá ngậm ngùi
Một ngày viếng mẹ mà hoài tim côi


THƯƠNG QUÁ MẸ Ơi!
 
Một đêm lạnh, con lao về bệnh viện
Trời đổ mưa tức tưởi ngập bao đường
Gió thảng thốt đập liên hồi trên bến
Mấy cành cây rạp xuống đỡ dòng Hương
 
Những ngày qua, mẹ thoi thóp trên giường
Nước mắt mẹ cạn khô vì kiệt sức
Yếu ớt gọi con, con đứng nhìn bất lực
Huế có bao giờ hết day dứt mùa Đông!
 
Con kéo chiếc mền, đắp cho mẹ ấm hơn
Hình như mẹ giờ thôi cần nữa
Mưa điên cuồng xối mòn chi hơi thở
Trường Tiền lặng yên không ngủ suốt đêm buồn
 
Đêm nay, con áp vào má mẹ nụ hôn
Như ngày xưa mẹ từng hôn con vậy
Mỗi giọt dịch truyền buốt từng ngày bươn chải
Gầy guộc Đông Ba, một góc chợ khóc thầm
 
Đã biết có ngày hàng vạn mũi kim đâm
Con vẫn cứ cầu ơn trời mẹ khỏi
Đêm thứ năm đầy gió gào, mưa vội
Vĩnh viễn, mẹ ơi, con mất mẹ rồi!
 
Lần cuối cùng , vuốt đôi mắt mẹ...
Trời ơi!



NHỚ MẸ

Một ngày con không còn yêu thơ

Một ngày con không còn yêu nhạc

Những điều ngày xưa con khao khát?

Những điều ngày xưa con ước mơ?


Một ngày không xa, sao nhìn vào đôi mắt cha...

Một ngày đã qua, sao nhìn vào đôi mắt mẹ...

Vần thơ nhòe đi vì lệ?

Bụi mù phủ hết lời ca?


Một ngày...lời chia buồn gắn trên bông hoa

Bàn chân chậm từng lối nhỏ

Bàn tay che từng giọt vỡ

Mình con thức giữa xót xa


Và thơ nằm yên trong những giấc mơ

Và mẹ nằm yên bên đồi thông lạ

Khúc nhạc vẫn còn lay lắt chiều mưa

Khúc nhạc bao giờ thôi gọi ngày xưa?!



XUÂN
NHỚ MẸ
Đã một năm rồi, mẹ biết không?
Bây giờ lại tết đến, xuân hồng
Ngoài sân thược dược, lan tim tím
Nhè nhẹ nghiêng cành, mẹ biết không?
Đơm bàn thờ mẹ một loài hoa
Huệ trắng thơm đưa khắp cả nhà
Con cháu quây quần đun ấm bếp
Giao thừa mong thấy nụ cười ba
Sáng nay lên mộ đốt hương trầm
Mang cả xuân này đến mẹ dâng
Nghe vọng hồi chuông trên đỉnh núi
Chợt hàng lệ nhỏ cứ miên man...