Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Viết vắc-xin hay vắc xin?



Viết vắc-xin hay vắc xin?

Một dấu nối nhỏ nhưng ý nghĩa không hề nhỏ. Chính vì vậy, với góc nhìn cá nhân, xin được trao đổi quanh việc phiên chuyển từ vaccin (tiếng Pháp) hay vaccine (tiếng Anh) sang tiếng Việt thế nào cho hợp lý.

Vắc-xin là gì?
Là chế phẩm có tính kháng nguyên...,... là chủng ngừa hay tiêm phòng...
Là gì đi nữa thì chắc các bạn đã biết rồi.  Khái niệm vắc-xin được trình bày khá rõ trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia mà bạn dễ dàng tìm thấy.
Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin đề cập khía cạnh dấu nối trong từ vắc-xin mà thôi.

Như chúng ta đã biết, vắc-xin trong tiếng Pháp viết là vaccin, tiếng Anh viết vaccine, còn tiếng Việt, theo từ điển, viết vacxin, hoặc vaccin (Viết liền hai âm tiết không dùng gạch nối). Những cách viết này đều có trong từ điển Pháp, Anh, Việt Nam.

Viết theo quy tắc phiên âm tiếng nước ngoài là vắc-xin (dựa vào cách đọc của nguyên ngữ, có gạch nối giữa hai âm tiết).

Minh họa cho việc viết phiên âm, phiên chuyển tiếng nước ngoài lâu nay đã có rất nhiều ví dụ mà khi bỏ dấu gạch nối ý nghĩa của từ  hoàn toàn khác.


Tôi đọc được trong nhiều văn bản của Bộ ban hành khá lâu,  xuất hiện từ "vắc xin" (không có dấu gạch nối). Dĩ nhiên, theo đó Sở và các phòng ban cấp dưới khi soạn thảo văn bản cũng phải "sao y" là vắc xin.

Không những thế, hàng loạt nhãn mác, quảng cáo của các công ty, xí nghiệp dược, một số báo chí, tạp chí chuyên ngành hoặc ngay chính trong một bài viết của tạp chí bắt đầu có xu hướng phiên âm đủ các kiểu: vacxin, vắc xin, vắc-xin, vắcxin, văcxin (không có dấu sắc)..., thậm chí tên và trang web của một Viện ghi hẳn hoi: Vắc xin (không còn dấu nối).

Lâu ngày thành quen, vắc xin (không dấu nối) nghiễm nhiên rất dễ được cho là đúng như từ cà phê (café) từ lâu đã Việt hóa mà không có từ nào để thay thế. Nhưng khi “Vắc xin”  xuất hiện phổ biến trong các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước lại là một vấn đề không còn giản đơn, vì đã mang tính pháp lý.  Phải dạy học sinh, sinh viên sử dụng ngữ pháp tiếng Việt thế nào đây cho đúng. Một đơn cử có thể xảy ra trong tuyển dụng công chức viên chức, đề thi chuyên ngành có câu hỏi liên quan đến thuốc chủng ngừa, nội dung  trả lời được chấm có điểm số tương đương, chỉ khác khi viết thuật ngữ này, một người ghi “vắc xin”, người kia thêm dấu nối “vắc-xin”, ai sẽ có tên trong danh sách chọn đạt? Người viết vắc xin hay người viết vắc-xin? Liệu cơ quan tuyển dụng có cho là không quan trọng? Nếu không quan trọng thì văn bản tha hồ mà thêm hoặc bớt dấu nối(!)

Từ vắc-xin trên báo Nhân Dân số ra ngày 9/10/2015

Tôi không dám nghĩ Bộ viết sai, có thể quy tắc phiên chuyển tiếng nước ngoài đã có sự thay đổi, hoặc có quy định mới phiên âm cho thuật ngữ chuyên ngành mà tôi chưa kịp cập nhật mặc dù tôi cất công tìm đọc các tài liệu, sách báo có đề cập đến vắc-xin, tra cứu nhiều từ điển, kể cả từ điển “Từ mới tiếng Việt”, tôi xin được nêu ra tờ báo Nhân Dân và tạp chí Cộng sản vì sự chính xác và rõ ràng của ngôn ngữ. Báo Nhân Dân số 21925 ra thứ Tư ngày 7/10/2015 có bài " Không nên lơ, là trong phòng chống sốt xuất huyết" các từ 
vắc-xin đều có dấu nối. Tạp chí Cộng sản số đặc biệt 103 (XB tháng 7/2015) có đăng bài viết của Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở các phóng viên cán bộ biên tập của tạp chí lưu ý  sửa chữa từng dấu phẩy, dấu chấm, từng chữ viết hoa, viết thường vì tạp chí Cộng sản được coi là chuẩn mực. Tạp chí Cộng sản, số 875 (XB tháng 9/2015) có bài viết của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tuyến,  in rõ vắc-xin dù văn bản của chính Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành lại ghi vắc xin (không có dấu nối). 
Ngày 12/10/2015, Bộ NN & PTHT có công điện khẩn số 8385/CĐ-BNN-TY về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong đó tất cả các từ vắc xin đều không còn dấu nối, ngày hôm sau, báo Nhân Dân số 21932 đề cập lại nội dung công điện khẩn này, từ vắc-xin vẫn in rõ thêm dấu nối. Như vậy, từ “vắc xin” (thiếu gạch nối) đến nay vẫn chưa được "xuất hiện" trên tạp chí Cộng sản, báo Nhân Dân (tạp chí và nhật báo uy tín, chuẩn mực).



Xin kể câu chuyện dưới đây có liên quan đến dấu gạch nối:

Ngày 07/10/2015, nhiều trang web đăng tải thông tin "Việt Nam sắp có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết"
Một người tên Vắc, sau khi đọc xong bài báo này đã thảo lá đơn đăng ký trước nhờ tôi gửi giùm huyện, tỉnh. Nội dung là:

Vắc
 xin phòng bệnh sốt xuất huyết ngay khi có vắc-xin
...
Nếu được quan tâm, Vắc xin cám ơn.

Đọc đơn, tôi định không nhận lời gửi đơn giúp  vì lo ngại huyện, tỉnh từ chối đơn này. Chữ Vắc  trong từ điển tiếng Việt chỉ có nghĩa trong  vúc vắc, chứ đâu có nghĩa gì đâu mà đứng tên. Thế là Vắc lý giải Trãi không có trong từ điển tiếng Việt mà sao cũng vang lừng tên tuổi anh hùng dân tộc Việt Nam Nguyễn Trãi? 
Có lý, đánh liều, tôi hứa đi gửi đơn giúp.

Có lần, xã khác cũng có anh tên Vắc đang ở bị dịch tung hoành,  vị bác sĩ về xã tuyên truyền tiêm chủng vắc xin sống, vắc xin chết gì đó, hơi khó hiểu. Anh Vắc đó, bực mình đứng dậy:
-  Vắc sống, hay Vắc chết đều có số hết. Xin sao được mà xin!

Qua đó, mới thấy dấu nối quan trọng.
Vắc-xin (mang dấu gạch nối) là từ hai âm tiết với nghĩa rõ ràng. Còn viết rời các âm tiết, bỏ dấu gạch nối áp dụng cho các tên riêng nước ngoài và phải viết hoa các từ.  Vắc-xin với nghĩa thuốc phòng không phải là tên riêng (danh từ riêng). Nếu ai đó ở Pháp, ở Anh mang tên Vaccin hoặc Vaccine, khi phiên âm phải là Vắc-xin ( chữ V viết hoa, chữ x viết thường) hoặc Vắc Xin (không có dấu gạch nối, nhưng phải viết hoa chữ V và X).
Vaccin (tiếng Pháp), hay vaccine (tiếng Anh) viết sang tiếng Việt không có dấu nối  như "vắc xin" chỉ là dạng chính tả phiên âm cho dễ đọc, viết vắc-xin (có gạch nối) là từ đã được phiên chuyển tiếng nước ngoài, có hai âm tiết, với đúng nghĩa thuật ngữ của nó. Bê nguyên vắc xin (không dấu nối) của dạng chính tả phiên âm, như đã nói là làm mờ nghĩa, khi tách biệt 2 chữ vắc và xin. Vắc độc lập không có nghĩa trong từ điển.
Tôi thực sự ngạc nhiên khi Bộ Y tế, Bộ NN & PTNT ban hành văn bản mà từ vaccine (vaccin) chuyển sang tiếng Việt là vắc xin lại thiếu mất dấu nối như vậy. Trong khi đó, Luật thú y đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, mục giải thích từ ngữ tại Điều 3, Chương I, ghi rõ Vắc-xin dùng trong thú y là chế phẩm sinh học chứa kháng nguyên, tạo cho cơ thể động vật khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng để phòng bệnh. Từ vắc-xin vẫn được đề cập nhiều lần trong Luật thú y không hề mất dấu nối.

Báo Nhân Dân ngày 13/10/2015

 Vậy mà đã một thời gian dài cho đến nay, Bộ cứ ban hành "vắc xin" (không dấu nối), báo Nhân Dân thì in "vắc-xin" (có dấu nối). Tôi tự hỏi không biết số phận từ vắc-xin (có dấu nối) trong Luật thú y rồi đây ra sao?

 Hữu Hiệp










Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Tiểu phẩm hài thú y: KHOẢNH KHẮC VUI NGHỀ NGHIỆP

Tiểu phẩm hài thú y

Viết nhân Ngày truyền thống ngành thú y Việt Nam 

Kỷ niệm lần thứ 60 ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh đầu tiên về Thú y

(11/7/1950-11/7/2010)

Khiêu vũ với trùm Sói


KHOẢNH KHẮC VUI
NGHỀ NGHIỆP


Nhân vật:
2 thân chủ: 1 nam, 1 nữ

2 BSTY : K và H


Cảnh 1:
Nam : Ủa, em đi đâu mà mang theo bị xoài nữa vậy?
Nữ: Dạ em đến Bs thú y  K nhờ tư vấn.
Nam : Có rắc rối hả, quan trọng không vậy?
Nữ:  Chuyện chó đẻ anh ơi.
Nam : Đây!(chỉ vào mình)...Ba cái vụ chó đẻ, anh giải quyết cái rẹt liền!
Nữ: Làm như anh là Bác sĩ thú y không bằng.
Nam : Em chưa biết rồi, tuy anh không phải là BSTY nhưng anh đã từng phụ tá cho BS.
Nữ: Anh đã từng phụ tá?
Nam: Ừ, nói cụ thể cho em biết luôn, đó là phụ mổ thai chó đẻ khó .
Nữ: Chà, cái tin này mới à nghe. Thế anh  phụ mổ hồi nào vậy?
Nam : Tháng trước.
Nữ:  Khó không anh?
Nam : Dễ ợt, người khéo tay mà! BS khen nức nở luôn
Nữ: Thế anh phụ cái gì?
Nam : Phụ lượm bông gòn bỏ vào sọt.
Nữ:Trời, tưởng gì!
Nam : Anh kể cho nghe, con xù trắng nhà anh quanh quẩn miết trong nhà, vậy mà tháng trước không hiểu sao bụng nó to chình ình , rặn đẻ không ra phải đem đến BS thú y mổ. Em biết BS nào không?
Nữ: Biết chết liền
Nam : Bs H đó!
Nữ: A, BS H, đẹp trai có phải không?
Nam : Chứ ai vô đó nữa
Nữ: Ai đẹp trai là em biết liền hà.
Nam : BS H mổ siêu lắm. Anh kể cho nghe, sau khi rạch một đường cỡ chừng này (làm dấu hai ngón tay), thọc ngón tay vô, ngoáy ngoáy, lòi ra một túm lông đen thui.
Nữ: Lông chó con à?
Nam : Chẳng lẽ lông mèo!
Nữ: Ủa,  lông mẹ trắng  mà  sao lông con đen vậy!?
Nam :  Thế mới nói! Giống hàng xóm mà!  Cả bầy 4 con, đen thui hết, trong đó có một con  giống mẹ y chang.
Nữ: Mẹ trắng,  con đen mà sao lại giống y chang?
Nam : Thế mới nói.
Nữ: À biết rồi, giống  cái bông phải không? tức là có một con cái,  3 con đực.
Nam: Không phải.
Nữ: Vậy chứ giống y chang là giống sao?
Nam: Ghẻ không à.
Nữ( tròn xoe mắt): Ghẻ!
Nam: Thế mới nói!
Nữ: Cho em xin một con nghe.
Nam : Tiêu sạch rồi, không còn một con!
Nữ(ngạc nhiên): Ủa, mổ sao để cho tiêu hết?
Nam : Ăn trộm. Mổ về, khỏe re em ơi, mới đầy tháng con mẹ lén phén qua hàng xóm tiếp, kéo theo cả bầy con ra đường, bị trộm lượm sạch.
Nữ: Tiếc quá… Này, anh biết BS K không?
Nam : Có nghe nhưng anh chưa gặp lần nào.
Nữ(xuýt xoa): BS K nhiệt tình, dễ thương lắm, không như các BS khác đâu, hách phát ghét.
Nam : Vậy à
Nữ: Thắc mắc gì về  bệnh gia súc, gia cầm đến nhà gặp trực tiếp hay điện thoại đều được Bs K trả lời miễn phí từ A tới Z.
Nam : BS K rảnh quá ta.
Nữ: Đâu có, tại BS K thấy em dễ thương chứ bộ (làm duyên)
Nam : Đơn cử cho anh nghe vài thắc mắc đi!
Nữ: Em hỏi về con heo
Nam :Hỏi sao?
Nữ: Em hỏi heo bệnh tai xanh, lỡ mình ăn phải thịt bệnh, tai mình có xanh không?
Nam : Hỏi kỳ vậy? sao tai mình xanh được. Không chịu coi TV, coi báo gì trọi. Mắt để đâu?
Nữ:Thì đó, tại không coi em mới hỏi.
Nam : Thế em có hỏi về con bò không?
Nữ: Có chứ. Em hỏi bệnh Lở mồm long móng, lỡ mình ăn vào có bị lở mồm long móng không?
Nam : Sao không bị, bệnh này là lây cho người à nghe,  không nghe đài gì cả, tai để đâu?nói cho biết nè, không những lây bệnh cho mình mà còn gây mất hạnh phúc gia đình.
Nữ: Ủa sao gây mất hạnh phúc gia đình vậy anh?
Nam :  Thì lở mồm rồi làm sao mà…hôn(diễn tả)
Nữ: Ờ hớ, sao BS K không giải thích điều quan trọng này ta?
Nam : Thế về bệnh gà, em có hỏi không?
Nữ: Có, chồng em bảo em hỏi BS cho bằng được .
Nam : Chồng em quan tâm vậy à?
Nữ: Quan tâm hàng đầu anh ạ.
Nam : Hỏi câu gì vậy?
Nữ: Chồng em bảo  hỏi gà bệnh chết có làm thịt nhậu được không?
Nam : Trời!
Nữ: Chồng em nhậu miết à.
Thôi thế này, bây giờ anh tranh thủ đi với em tới BS K tư vấn cho biết, em nghe BS H dạo này hay đến nhà BS  luyện hát karaoke lắm.
Nam, Nữ: Đi.
Cả hai cùng vào

Cảnh 2
1 bàn làm việc, 1 chiếc ghế.
K (bước ra sân khấu, vai mang túi xách): Hôm nay giải quyết hết các ca rồi, thoải mái xem bóng đá worldcup một trận trọn vẹn cho đã.
(Ngồi xuống ghế rút trong túi xách ra tờ báo thể thao, đọc một đoạn tin trong báo bóng đá. Điện thoại di động reo, rút đt trong túi ra): Alo, good morning Maika! BS K nghe đây…đem chó tới liền nhé…Ỉa chảy té re không mang tới được à?...Phân hôi lắm hả?...Tới trị gấp hả?...Được rồi Maika cứ ở nhà xem bóng đá…30 phút nữa tôi sẽ có mặt! Good bye Maika!
(bỏ đt vào túi):Ai bảo nghề thú y không phải là nghề làm dâu trăm họ? Còn hơn cả trăm họ nữa, bữa nay có cả họ Tây chứ đâu phải chỉ riêng họ Việt!
H(đi vào): Chào BS K, chuẩn bị tiết mục góp vui ngày 11/7 chưa?
K: A, xin chào (đứng dậy bắt tay). Rồi, thế H có tiết mục gì chưa?
H: Có sẳn trong bụng đây(chỉ cái bụng). Cải lương là ngón ruột của H mà!
K: Hát thử một đoạn xem!
H: Nghe này…(lấy giọng):
Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi…Đường dài mịt…
K: Thôi, thôi… Thu Hương, Thu Cúc…là không được rồi. 11/7 là ngày truyền thống ngành thú y thì phải hát về  thú y chứ!
H: H làm sao mà không có  được, giỡn thôi,  nghe nè…(lấy giọng, ca...)
Xung quanh lá rơi, rơi đầy xung quanh
Toàn là lá vàng, không rơi lá xanh
Em có buồn, có nhớ anh
Cố nén chuyện chúng mình
Đến khi anh xong xuôi học hành
Em ơi, buổi ban mai đã mấy lần chuông đổ
Nên Võ Văn H càng nhanh chân không nỡ ở trong nhà
Bạn bè anh cùng phòng chữa bệnh gà
Kiểm dịch bò, heo trong những ngày sương lạnh
Giông tố, gió mưa về cũng chẳng thờ ơ
Em hãy cười vui lên, thầm nhớ gọi anh chi
Anh đã mang tâm huyết nghiệp y
Quyết phát huy, đẩy chăn nuôi luôn tiến
Rồi sẽ quay về, choàng em chặt, rồi mi…
K: Hay...
H: Nghề mà, còn K?
K: Biết sở trường của K là gì không?
H: Thổi kèn Harmonica
K: Không chính xác, thổi kèn văn nghệ cho vui thôi
H: Nhảy!
K: Nhảy gì? A, không được nói kháy nghe.
H: Sao lại nói kháy?
K: Định nói "Nhảy đực" có phải không?
H: Đâu có, Nhảy là Khiêu vũ đó.
K: Khiêu vũ! Càng không chính xác.
H: Hô khẩu hiệu!
K: Hả, hô khẩu hiệu mà là sở trường à!
H: Chứ gì nữa, hô khẩu hiệu nghĩa là hát theo, hát tốp ca, đồng ca đó. Không thuộc, cũng đứng xếp hàng nhóp nhép cái miệng thôi!
K: Khinh người dữ ta, này nói cho biết sở trường của K nghe. Sở trường này ngấm từ trong máu, chuyển thể thành nỗi đam mê rồi. Biết gì không? Không biết thì cho biết luôn…làm thơ!
H: Làm thơ! Có nghe đồn về thơ BS K.
K: Đó thấy chưa!
H: Biết đồn sao không?
K: Sao?
H: Họ nói mỗi người viết  một từ lên mảnh giấy, bỏ tất cả mảnh giấy vào hộp.
K: Làm chi vậy?
H: Cho một con khỉ nhặt từng mảnh giấy đó ra từ chiếc hộp, Ghép các từ đó lại, sẽ có một bài thơ hay hơn thơ BS K.
K: Chơi K hả?
Nhưng mà…kệ người ta , đôi khi thơ mình vượt tầm nhân loại, nên họ không hiểu. Thôi để K đọc cho nghe thử một bài nè.
(lấy giọng)
Anh là bác sĩ thú y
Yêu em, anh chẳng ngại gì xóm xa
Nhớ em, anh lướt qua nhà
Hỏi thăm đàn gà có khỏe hay không
Ôi tình yêu chẳng bất công
Em thương động lòng, trả lời…”dạ khỏe”
H: Trời ơi, thơ gì kỳ vậy?
K:Thơ vậy chớ sao kỳ.
H: Mắc mớ gì mà nhét cái câu em thương động lòng trả lời dạ khỏe trong này! Hỏi gà khỏe không, khỏe thì trả lời dạ khỏe, không khỏe thì trả lời dạ không, chứ có gì mà động lòng với không động.
K: Để giải thích cho mà nghe, thơ văn là phải bóng gió.
H: Bóng gió là bóng gió sao!
K: Thì đàn gà nhà em chết hết rồi, đủ thứ thuốc mà vẫn bó tay, em sợ mình buồn, em thương mình, em nói dối gà khỏe, không phải là động lòng thì là động gì?
H: Động phòng!
Hai thân chủ(nam và nữ)  xuất hiện
Nữ: Em chào BS K, em tới gặp BS nhờ tư vấn. Phòng mạch mở cửa, em mới dám vào, không biết  hai anh đang bàn chuyện động phòng...  Em gửi BS K ít xoài ở nhà trồng, em xin về ạ.
K(tay nhận bị xoài): Cám ơn em, mà này hai em hiểu nhầm rồi, hai anh không có động...gì hết.
Nam: Chào BS H, BS K.
H, K: Chào em
Nữ: Hồi nãy tụi em nghe hai anh hát hò thiệt là hay. Hai anh hát tặng em một bài đi!
K: Được, được nhưng chỉ một bài thôi nghe, không được năn nỉ thêm.
Nam, nữ: Dạ.
K(lên giọng, hát): Tôi đứng trong căn nhà người giỏi chăn nuôi
H(hát): Tôi cũng đứng trong căn nhà người giỏi chăn nuôi

Các diễn viên cùng cúi chào khán giả. 


Sáng tác: Hữu Hiệp
Trạm Thú y huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa



Bài viết: Tiểu phẩm hài thú y 1 (KHOẢNH KHẮC VUI NGHỀ NGHIỆP) 

Nguồn Zing Blog