Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Viết vắc-xin hay vắc xin?



Viết vắc-xin hay vắc xin?

Một dấu nối nhỏ nhưng ý nghĩa không hề nhỏ. Chính vì vậy, với góc nhìn cá nhân, xin được trao đổi quanh việc phiên chuyển từ vaccin (tiếng Pháp) hay vaccine (tiếng Anh) sang tiếng Việt thế nào cho hợp lý.

Vắc-xin là gì?
Là chế phẩm có tính kháng nguyên...,... là chủng ngừa hay tiêm phòng...
Là gì đi nữa thì chắc các bạn đã biết rồi.  Khái niệm vắc-xin được trình bày khá rõ trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia mà bạn dễ dàng tìm thấy.
Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin đề cập khía cạnh dấu nối trong từ vắc-xin mà thôi.

Như chúng ta đã biết, vắc-xin trong tiếng Pháp viết là vaccin, tiếng Anh viết vaccine, còn tiếng Việt, theo từ điển, viết vacxin, hoặc vaccin (Viết liền hai âm tiết không dùng gạch nối). Những cách viết này đều có trong từ điển Pháp, Anh, Việt Nam.

Viết theo quy tắc phiên âm tiếng nước ngoài là vắc-xin (dựa vào cách đọc của nguyên ngữ, có gạch nối giữa hai âm tiết).

Minh họa cho việc viết phiên âm, phiên chuyển tiếng nước ngoài lâu nay đã có rất nhiều ví dụ mà khi bỏ dấu gạch nối ý nghĩa của từ  hoàn toàn khác.


Tôi đọc được trong nhiều văn bản của Bộ ban hành khá lâu,  xuất hiện từ "vắc xin" (không có dấu gạch nối). Dĩ nhiên, theo đó Sở và các phòng ban cấp dưới khi soạn thảo văn bản cũng phải "sao y" là vắc xin.

Không những thế, hàng loạt nhãn mác, quảng cáo của các công ty, xí nghiệp dược, một số báo chí, tạp chí chuyên ngành hoặc ngay chính trong một bài viết của tạp chí bắt đầu có xu hướng phiên âm đủ các kiểu: vacxin, vắc xin, vắc-xin, vắcxin, văcxin (không có dấu sắc)..., thậm chí tên và trang web của một Viện ghi hẳn hoi: Vắc xin (không còn dấu nối).

Lâu ngày thành quen, vắc xin (không dấu nối) nghiễm nhiên rất dễ được cho là đúng như từ cà phê (café) từ lâu đã Việt hóa mà không có từ nào để thay thế. Nhưng khi “Vắc xin”  xuất hiện phổ biến trong các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước lại là một vấn đề không còn giản đơn, vì đã mang tính pháp lý.  Phải dạy học sinh, sinh viên sử dụng ngữ pháp tiếng Việt thế nào đây cho đúng. Một đơn cử có thể xảy ra trong tuyển dụng công chức viên chức, đề thi chuyên ngành có câu hỏi liên quan đến thuốc chủng ngừa, nội dung  trả lời được chấm có điểm số tương đương, chỉ khác khi viết thuật ngữ này, một người ghi “vắc xin”, người kia thêm dấu nối “vắc-xin”, ai sẽ có tên trong danh sách chọn đạt? Người viết vắc xin hay người viết vắc-xin? Liệu cơ quan tuyển dụng có cho là không quan trọng? Nếu không quan trọng thì văn bản tha hồ mà thêm hoặc bớt dấu nối(!)

Từ vắc-xin trên báo Nhân Dân số ra ngày 9/10/2015

Tôi không dám nghĩ Bộ viết sai, có thể quy tắc phiên chuyển tiếng nước ngoài đã có sự thay đổi, hoặc có quy định mới phiên âm cho thuật ngữ chuyên ngành mà tôi chưa kịp cập nhật mặc dù tôi cất công tìm đọc các tài liệu, sách báo có đề cập đến vắc-xin, tra cứu nhiều từ điển, kể cả từ điển “Từ mới tiếng Việt”, tôi xin được nêu ra tờ báo Nhân Dân và tạp chí Cộng sản vì sự chính xác và rõ ràng của ngôn ngữ. Báo Nhân Dân số 21925 ra thứ Tư ngày 7/10/2015 có bài " Không nên lơ, là trong phòng chống sốt xuất huyết" các từ 
vắc-xin đều có dấu nối. Tạp chí Cộng sản số đặc biệt 103 (XB tháng 7/2015) có đăng bài viết của Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở các phóng viên cán bộ biên tập của tạp chí lưu ý  sửa chữa từng dấu phẩy, dấu chấm, từng chữ viết hoa, viết thường vì tạp chí Cộng sản được coi là chuẩn mực. Tạp chí Cộng sản, số 875 (XB tháng 9/2015) có bài viết của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tuyến,  in rõ vắc-xin dù văn bản của chính Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành lại ghi vắc xin (không có dấu nối). 
Ngày 12/10/2015, Bộ NN & PTHT có công điện khẩn số 8385/CĐ-BNN-TY về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong đó tất cả các từ vắc xin đều không còn dấu nối, ngày hôm sau, báo Nhân Dân số 21932 đề cập lại nội dung công điện khẩn này, từ vắc-xin vẫn in rõ thêm dấu nối. Như vậy, từ “vắc xin” (thiếu gạch nối) đến nay vẫn chưa được "xuất hiện" trên tạp chí Cộng sản, báo Nhân Dân (tạp chí và nhật báo uy tín, chuẩn mực).



Xin kể câu chuyện dưới đây có liên quan đến dấu gạch nối:

Ngày 07/10/2015, nhiều trang web đăng tải thông tin "Việt Nam sắp có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết"
Một người tên Vắc, sau khi đọc xong bài báo này đã thảo lá đơn đăng ký trước nhờ tôi gửi giùm huyện, tỉnh. Nội dung là:

Vắc
 xin phòng bệnh sốt xuất huyết ngay khi có vắc-xin
...
Nếu được quan tâm, Vắc xin cám ơn.

Đọc đơn, tôi định không nhận lời gửi đơn giúp  vì lo ngại huyện, tỉnh từ chối đơn này. Chữ Vắc  trong từ điển tiếng Việt chỉ có nghĩa trong  vúc vắc, chứ đâu có nghĩa gì đâu mà đứng tên. Thế là Vắc lý giải Trãi không có trong từ điển tiếng Việt mà sao cũng vang lừng tên tuổi anh hùng dân tộc Việt Nam Nguyễn Trãi? 
Có lý, đánh liều, tôi hứa đi gửi đơn giúp.

Có lần, xã khác cũng có anh tên Vắc đang ở bị dịch tung hoành,  vị bác sĩ về xã tuyên truyền tiêm chủng vắc xin sống, vắc xin chết gì đó, hơi khó hiểu. Anh Vắc đó, bực mình đứng dậy:
-  Vắc sống, hay Vắc chết đều có số hết. Xin sao được mà xin!

Qua đó, mới thấy dấu nối quan trọng.
Vắc-xin (mang dấu gạch nối) là từ hai âm tiết với nghĩa rõ ràng. Còn viết rời các âm tiết, bỏ dấu gạch nối áp dụng cho các tên riêng nước ngoài và phải viết hoa các từ.  Vắc-xin với nghĩa thuốc phòng không phải là tên riêng (danh từ riêng). Nếu ai đó ở Pháp, ở Anh mang tên Vaccin hoặc Vaccine, khi phiên âm phải là Vắc-xin ( chữ V viết hoa, chữ x viết thường) hoặc Vắc Xin (không có dấu gạch nối, nhưng phải viết hoa chữ V và X).
Vaccin (tiếng Pháp), hay vaccine (tiếng Anh) viết sang tiếng Việt không có dấu nối  như "vắc xin" chỉ là dạng chính tả phiên âm cho dễ đọc, viết vắc-xin (có gạch nối) là từ đã được phiên chuyển tiếng nước ngoài, có hai âm tiết, với đúng nghĩa thuật ngữ của nó. Bê nguyên vắc xin (không dấu nối) của dạng chính tả phiên âm, như đã nói là làm mờ nghĩa, khi tách biệt 2 chữ vắc và xin. Vắc độc lập không có nghĩa trong từ điển.
Tôi thực sự ngạc nhiên khi Bộ Y tế, Bộ NN & PTNT ban hành văn bản mà từ vaccine (vaccin) chuyển sang tiếng Việt là vắc xin lại thiếu mất dấu nối như vậy. Trong khi đó, Luật thú y đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, mục giải thích từ ngữ tại Điều 3, Chương I, ghi rõ Vắc-xin dùng trong thú y là chế phẩm sinh học chứa kháng nguyên, tạo cho cơ thể động vật khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng để phòng bệnh. Từ vắc-xin vẫn được đề cập nhiều lần trong Luật thú y không hề mất dấu nối.

Báo Nhân Dân ngày 13/10/2015

 Vậy mà đã một thời gian dài cho đến nay, Bộ cứ ban hành "vắc xin" (không dấu nối), báo Nhân Dân thì in "vắc-xin" (có dấu nối). Tôi tự hỏi không biết số phận từ vắc-xin (có dấu nối) trong Luật thú y rồi đây ra sao?

 Hữu Hiệp










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét