Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

DÃ NGOẠI SUỐI BA HỒ (Phần 2)

DÃ NGOẠI SUỐI BA HỒ 
(Phần 2)

8 giờ 30 phút xe đến nơi.
Giá vé cho mỗi người vào cổng là 10.000 đồng.

Vắng quá! 
Hôm nay là ngày cuối tuần mà sao chỉ thấy vài người và cô chủ hàng nước giải khát. Từ cổng vào, trên gồ đất cao cao có ba cái nhà, tường gạch, mái tranh trống vắng hoang liêu, kiểu xây tân không ra tân, cổ không ra cổ, nên tôi chẳng biết gọi đó là nhà gì cho hợp lý(có bạn gọi là nhà tạm, tôi gọi đại là nhà rông vậy). Nhích tới một chút, bạn sẽ thấy một căn nhà khá đẹp, vòng quanh phía dưới là dòng suối nhân tạo không chỉ vì thẩm mỹ mà còn hàm ý phong thủy, tiếc là không có giọt nước nào, khiến tôi cảm thương cho thân phận hòn đá sinh thời đâu phải đã vô duyên!


Mái tranh cũng khiến xiêu lòng
Hình như mang cả mênh mông nỗi niềm


Vi vu phong thủy hữu tình
Nước đâu để đá buồn tênh giữa trời?





Dãy nhà lợp tranh rộng thoáng


Trên cầu ngắm cảnh  Ba Hồ
Bên phải của bạn(từ cổng vào) là một con sông nhỏ trong xanh, phẳng lặng. Một chiếc cầu gỗ vắt sang bờ bên kia, cầu ngắn thôi nhưng cũng đủ hàm ý níu lòng du khách, đứng giữa cầu bạn sẽ ngỡ mình đang trên thuyền lãng du khắp chốn, ôm choàng cả không gian bình yên đến lạ. Đến đây thật dễ chịu, bạn tha hồ mà hít không khí trong lành của thiên nhiên. Có lẽ nước đầu nguồn đổ về ngọt ngào xanh mát quá nên nhiều cây dầm mình mãi dưới sông. Xuống xe, ai cũng ùa đến dòng sông, các cháu cũng vậy, có cháu tranh thủ chụp hình cá lội. Được giao nhiệm vụ chụp hình, tôi bấm máy lia lịa, nhưng không lơ là mấy cháu nhỏ, vì sợ mấy cháu mê cá lúi cúi té ùm xuống nước...


Con gái của Tuyết Nhung
bên dòng sông trong xanh và hàng cây đang dầm mình tỏa mát


Đến đây tôi mới thực hình dung đôi nét về Ba Hồ. Ba Hồ là di tích danh lam thắng cảnh thuộc Xã Ninh Ích, Huyện Ninh Hòa. "Danh lam thắng cảnh này được hình thành do sự kiến tạo của thiên nhiên, bắt nguồn từ một dòng suối trên đỉnh núi Hòn Sơn cao 600 m, dài hơn 10 km, giữa một hệ sinh thái rừng nguyên sinh. Suối Ba Hồ có độ cao rộng khác nhau, liên kết tạo thành một cảnh vật quần thể sinh động và hấp dẫn, được nhân dân nơi đây gọi là danh thắng Suối Ba Hồ.
Với dòng thác hùng vĩ suốt ngày đêm tuôn chảy, cùng với môi trường sinh thái tự nhiên đầy quyến rũ mà đất trời đã ban tặng cho nơi đây. Suối ba Hồ điểm du lịch hấp dẫn, làm hài lòng quý khách đến tham quan
"(Trích từ Trung tâm quản lý di tích danh lam thắng cảnh Khánh Hòa - 2004)



Một tấm bảng ghi rõ hàng chữ: "Quý khách sẵn sàng cho cuộc đi bộ vào rừng chưa. Nào hãy bắt đầu!" treo trên cây ngay ngõ vào rừng. Điều đó cho thấy phải đi nữa mới tới hồ. Hồ to hay nhỏ, hồ tròn hay  méo? Tôi không thể hình dung ra, chỉ liên tưởng Ba Hồ tức là có ba cái hồ, mà đã gọi là hồ thì nơi đó phải là vũng nước rộng và sâu( sạch hay dơ không nằm trong định nghĩa của hồ), nhưng chắc chắn là hồ sạch, chứ hồ dơ như cái hồ đã đề cập gặp trên đường vào thì... xỉu hết cả xe!


Như đã phân công, thành viên nào cũng tay xách nách mang, bánh, bún, xôi, bia, thịt, đàn...nặng nhất là thùng nước đá to tướng, phải chia ra làm hai. Kha và Hiệp khệ nệ bưng thùng xốp bên trong một cục nước đá bự sư. Sếp Hàn và rể Vương gánh cục nước đá to tướng đựng trong một bịch ni lông. Chỉ có cháu Gia Khang, 3 tuổi, bé nhất đoàn được miễn mang đồ đạc.


Bắt đầu đoạn đường đi bộ vào rừng
Khám phá  Suối Ba Hồ




Nguyễn Hữu Hiệp
(còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét